Wednesday, April 30, 2014

Bài nói chuyện của TT Giác Đẳng về ngày lịch sử biến cố 30 tháng tư

TTGiác Đẳng nói về ngày lịch sử biến cố 30 tháng Tư

Minh Hạnh chuyển biên



TT Giác Đẳng: Hôm nay là ngày 30-4-2014. Ba mươi chín năm trước đây, biến cố 30 tháng tư năm 1975 là một biến cố lịch sử của đất nước Việt Nam mà mãi cho đến ngày hôm nay vẫn là một điểm văn hóa lớn ở trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.  Biến cố đó được reo mừng bởi một số người xem là một chiến thắng. Và trong lúc điều đó là một sự đau buồn mất mát lớn cho một số lớn người khác. 

Tiếp theo biến cố của 30 tháng Tư đã có hàng triệu người Việt Nam liều chết ra đi, phân nửa số đó đã bỏ mình giữa biển khơi hoặc giả ở trong rừng trên đường vượt biển vượt biên. Đất nước Việt Nam đã trải qua một thời kỳ thay đổi to lớn chưa bao giờ có ở trong suốt giòng lịch sử của đất nước.

Ông bà chúng ta thường nói một điều là; mỗi một sự việc xảy ra thì chúng ta có thể nhìn ở từ nhiều góc cạnh khác nhau. Nhìn ở góc cạnh này người ta có thể thấy như vầy, nhìn ở góc cạnh khác thì cái nhìn của chúng ta nó sẽ ngược lại. 

Suốt 39 năm qua, chúng ta nhìn thấy những đổi thay. Những đổi thay đó cho người ta thấy những diễn biến trái chiều. Thí dụ như, ngày xưa chúng ta nói sau năm 75 thì những người làm ăn buôn bán gọi là những tiểu thương hay là những tư sản được xem là những người phản dân tộc đi ngược lại xã hội chủ nghĩa và lúc đó những phong trào đánh tư sản ngoại bản đã làm kiệt quệ cùng cực miền Nam Việt Nam. Nhưng bây giờ thì người ta lại nói đến làm cách nào để mỗi người có thể tự vươn lên giàu có ở trong nền kinh tế thị trường mặc dầu là theo định hướng của xã hội chủ nghĩa. 

Thời đó người ta đều nói đến "đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào", làm sao nhìn đế quốc Mỹ như là một kẻ thù truyền kiếp. Bây giờ thì người ta lại mở cửa để mời gọi Hoà Kỳ. Không phải chỉ bình thường hóa bang giao với Việt Nam mà còn đi xa hơn đặc biệt là trên phương diện kinh tế. Và muốn có được những thừa nhận của Hoa Kỳ đối với một số lãnh vực liên quan đến bang giao quốc phòng v.v...

Ở thời nào đó người ta xem chủ nghĩa cộng sản là bách chiến bách thắng là không thể lùi bước được nhưng chỉ 3 năm sau đó người ta thấy sự sụp đổ của đất nước Liên Xô. Bản địa của chủ nghĩa Cộng Sản ngày nay chỉ còn vỏn vẹn chừng vài quốc gia ở trên thế giới theo chủ nghĩa này. 

Cũng có thời nào đó người ta quyết tâm để triệt tiêu tôn giáo, và bây giờ dần dà người ta thấy rằng những đất nước mang đạo đức chủ nghĩa không đủ để làm lành mạnh hóa thế hệ trẻ và càng ngày người ta càng nhận ra được là trong một đất nước mà thiếu chất của đạo lý của tôn giáo thì đất nước đó rất là khó để an dân khoan nói đến việc trị quốc.

Đúng ra 39 năm qua không phải là thời gian quá ngắn hay quá dài nhưng mà đủ để tất cả chúng ta nhìn lại sự thay đổi của đất nước những gì xảy ra trước năm 75 và những gì xảy ra sau năm 75. Nếu chúng ta nhìn lại thật kỹ thật rõ những điều này thì chắc chắn cho chúng ta những suy tư rất tốt đẹp cho tương lai của đất nước. Một quốc gia được tồn tại không phải là phải trung thành với một định chế về chủ nghĩa ý thức hệ mà quốc gia đó phải lấy sự hưng vong của dân tộc đất nước làm trên hết. Và nói một cách khác là làm thế nào xây dựng tương lai của đất nước bằng xây dựng thật sự lành mạnh cho tuổi trẻ.

 Người ta nói rằng; tại Việt Nam ngày nay phát triển rất nhiều thứ trong đó có đường xá, đặc biệt là các quán ăn, đặc biệt là sinh hoạt về tiêu thụ. Nhưng, có hai thứ người ta cho rằng rất chậm phát triển và phát triển rất kém đó là trường học và bịnh viện. Vấn đề y tế của một quốc gia nghèo thì quả thật nó có nhiều khó khăn. Nhưng trường học thì được xây dựng với một ngân quỹ rất hạn hẹp. Thậm chí ngày nay những học trò phải hối lộ cho thầy cô để có được những điểm tốt. Và nguồn máy giáo dục của Việt Nam  đã không đủ để tạo nên một nền kinh tế vững mạnh với những nhân tài thực sự đóng góp cho quê hương đất nước. Đó là một chỗ yếu rất là dễ thấy và thật sự rất cấp thời để giải quyết. 

Một ngày nào đó khi người Việt Nam nhìn lại toàn bộ những chuyển biến thời gian qua thì người ta sẽ nhận ra một điều rằng những chiêu bài, những chủ nghĩa ý thức hệ mà người ta đề ra nó chỉ mang tánh cách đe dọa rất phù du và mọi người sẽ nhận ra rằng lợi ích chung của dân tộc của đất nước nó không phải nằm ở chủ nghĩa mà nó nằm ở sự quan tâm thật sự đối với giống nòi. 

Chúng ta cũng nhận thấy một tiềm lực rất lớn của đất nước Việt Nam khi mà có hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống ở xứ người. Phải nhìn nhận rằng cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại có một thành tựu rất tốt trên phương diện giáo dục. Ở tại Hoa Kỳ là một thí dụ, những người tị nạn Việt Nam đã có một đặc điểm rất đáng ca ngợi là rất chú trọng học vấn của con cái, đa số những gia đình Việt Nam ở tại Hoa Kỳ cha mẹ thường cho con cái đi vào đại học để có một tương lai tốt hơn cho bản thân cho gia đình và chắc chắn cũng điều đó cho đất nước. 

Vấn đề là, đất nước Việt Nam hiện tại có vận dụng được tiềm lực đó hay không khi mà có một số lớn những thanh niên thiếu nữ Việt Nam có những thành tựu về học vấn rực rỡ ở xứ người, họ nắm nhiều vai trò trong các cơ sở doanh nghiệp, ở trong các nguồn máy chính quyền, và hầu hết những lãnh vực của xã hội họ có thể là một đóng góp rất là quan trọng. 

Và chúng ta cũng phải nhìn nhận một điều là với dân số gần 100 triệu người ở tại Việt Nam thì đất nước Việt Nam có một tỷ lượng rất lớn về nhân tài. Một điểm mà tất cả mọi người đều có thể thấy là chúng ta có cơ nguy để đưa đất nước biến thành một nơi cung ứng nguồn lao động rẻ. Và chúng ta cũng có cơ hội để biến đất nước trở thành một nơi có tiềm lực hùng hậu về nhân sự về nhân tài. 

Thật ra, trong một xã hội mà có nhiều đổi thay thì luôn luôn người ta đòi hỏi một nền tảng mà ít có ai nghĩ rằng quan hệ trực tiếp đó là tôn giáo và văn hóa. Tôn giáo và văn hóa cần được cởi trói để xã hội có những bước đi quân bình. Không thể nào một xã hội lớn một xã hội phát triển mà chỉ thuần về kinh tế mà chỉ thuần về chính trị. Một xã hội lành mạnh thì ở đó tôn giáo phải có thể làm được vai trò đúng mức của mình. Vai trò của tôn giáo có thể đóng góp được hay không nó đến từ một chủ trương rất là quan trọng đó là chính quyền nên để tôn giáo có được sự độc lập và có những quyết định. Một khi chính quyền can thiệp vào tổ chức của các tôn giáo như trường hợp của Phật Giáo chẳng hạn thì chỉ tạo nên những nấc danh lợi hủ hoá phân ly và tạo ra những bế tắc này cho đến những bế tắc khác. 

Sự cởi mở, sự cởi trói về văn hóa cũng tương tự như vậy. Cho đến nay thì ở tại đất nước Việt Nam trong số hơn 600 tờ báo, các cơ quan ngôn luận thì không có một tờ báo hay một cơ quan ngôn luận nào của tư nhân hết. 

Văn hóa cũng như đạo giáo cần được cởi trói để có thể làm tốt vai trò của mình trong việc xây dựng quê hương và đất nước. Người ta đòi cố gắng để tháo gỡi những xích xiềng của kinh tế và cho thấy rằng kinh tế đã phát triển khá hơn thì bây giờ người ta cũng mong tạo ra một không khí mới cho những lãnh vực khác và ở đây chúng ta đặc biệt nói đến tôn giáo và văn hóa. 

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã khẳng định một điều là, một ở trong những thành công lớn của các nguồn máy cầm quyền là làm sao vừa có thể trị an nhưng mà vừa có thể bớt sự can thiệp của nhà cầm quyền vào trong các lãnh vực của quần chúng. Tại vì can thiệp quá nhiều nó chỉ tạo nên những hệ lụy những trói trăn hơn là sự phát triển thật sự. 

Đã gần 40 năm qua rồi, từ biến cố 30 tháng tư 1975 chúng ta có thể thấy rằng nếu so sánh với tất cả quốc gia Đông Nam Á láng giềng nước Việt Nam đã tiêu phí quá nhiều thì giờ đã làm bao nhiêu thế hệ tuổi trẻ lớn lên mà tương lai của họ bị phí phạm một cách rất là vô ích. Chúng ta đã quá chậm rồi sự phát triển. Chúng ta phải nhìn nhận rằng cho đến giờ phút này đất nước Việt Nam vẫn là một đất nước mới bắt đầu phát triển chứ chưa hẳn là một quốc gia thật sự giàu có so với Thái lan với Mã Lai. 

Thực tế đây là một tiền đề suy nghĩ. Và nếu người ta chỉ nghĩ rằng tất cả nó chỉ là vấn đề hận thù chỉ là vấn đề thắng bại chỉ là vấn đề vinh quang và tủi nhục thì nghĩ như vậy nó không có ý nghĩa gì đối với dân tộc Việt Nam. 

Chúng ta hãy cầu mong rằng thảm trạng mà đất nước đã trải qua ở trong nhiều thập niên qua sẽ là những bài học tốt cho tất cả chúng ta những người Việt Nam dù sống bất cứ nơi nào trong nước hay ở ngoài nước những người đang được hưởng những quyền lợi như những kẻ cầm quyền hay là những người thuộc giai cấp bị thống trị thì tất cả chúng ta đều có ý thức trổi dạy để hướng về một tương lai đất nước Việt Nam tốt hơn, tự do dân chủ thật sự. Chúng ta hãy cầu nguyện ngày đó sớm trở về trên giải đất thân yêu hình cong chữ S./.