Tuesday, June 24, 2014

Giáo Trình Phật Học mới của lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo Trình Phật Học mới của lớp Phật Pháp Buddhadhamma


Bản tin, ngày 24-6-2014. TT Giác Đẳng thông báo, Minh Hạnh chuyển biên


TT Giác Đẳng: Chúng tôi xin được thông báo, đây không phải là  một bản tin mà qúi vị xử dụng khắp nơi nhưng riêng đối với sinh hoạt trong rơom Phật Pháp Buddhadhamma thì rất quan trọng. Đó là sự kết thúc giáo trình cũ để bước sang giáo trình mới.

Như qúi vị biết giáo trình hiện tại của chúng ta đang học là giáo trình của tác phẩm Itivuttaka - Kinh Như Thị Thuyết. Thì trong suốt 12 năm thực hiện chương trình Phật Pháp hàng ngày ở trên Paltalk, chúng tôi có một kinh nghiệm rất thú vị về các giáo trình. Chúng tôi nhớ khi rơom Diệu Pháp tức là tiền thân của rơom Phật Pháp Buddhadhamma lúc mới khai giảng thì Chư Tăng đề nghị giảng kinh Pháp Cú. Và kinh Pháp Cú có 423 bài kệ và thường thì mỗi ngày giảng 1 bài kệ nhưng lâu lâu cũng có lúc giảng một lúc 2 hoặc 3 bài kệ. Lúc bấy giờ thì chúng tôi có cảm tưởng như rơom Diệu Pháp sẽ xử dụng kinh Pháp Cú như một đề tài chắc sẽ nhiều năm mới giảng hết, nhưng chúng tôi quên bẳng đi một điểm là 1 năm có 365 ngày và chỉ trên dưới 1 năm thì kinh Pháp Cú đã không còn nữa, tức là sự giảng giải của rơom Diệu Pháp lúc bấy giờ sau một năm thì hoàn tất bản kinh Pháp Cú. 

Và từ đó trở đi thì Chư Tăng đã tìm rất nhiều giáo trình khác nhau, có những tác phẩm lớn và có những tác phẩm nhỏ, thậm chí có lúc chúng ta giảng những ví dụ, những câu ngụ ngôn, có lúc chúng ta giảng về Thinh Văn Sử, như gần đây chúng ta giảng tác phẩm Milindapanha. Những tác phẩm đó đôi khi có những người đọc thì họ cảm thấy tác phẩm quá lớn mình đọc hoài không biết chừng nào hết nhưng mà rồi cuối cùng tất cả đều đi qua. Thì tác phẩm Itivuttaka không phải là tác phẩm lớn, hôm nay chúng ta còn khoảng chừng 7 bài là sẽ hết tác phẩm  Itivuttaka.

 Cách đây hai hôm thì chúng tôi có hội ý với TT Tuệ Siêu để xem ý của TT muốn tác phẩm tiếp theo chúng ta sẽ giảng về tác phẩm gì? Thì TT Tuệ Siêu có đề nghị chúng ta sẽ tiếp tục giảng trong Tiểu Bộ Kinh và tác phẩm kế tiếp đó là Kinh Tập hay là Sutta Nipata. Tác phẩm này là một tác phẩm rất đặc biệt, đây là một tác phẩm cấu kết những bài kinh tương đối rất quan trọng và nguyên cả tác phẩm được kết tập theo hình thức chúng ta gọi là ca vịnh - kathās. Tức là những tác phẩm khác thì có văn suôi có văn vần nhưng ở đây tất cả theo thể ca vịnh kathās những bài kệ kể cả những đoạn lượt thuật. 

Thì những kệ ngôn này nếu qúi Phật tử hỏi quan trọng đến mức độ nào thì chúng tôi xin thưa rằng đa số những bản kinh tụng của các quốc gia Phật giáo Nam Tông như kinh Từ Bi, kinh Hạnh phúc hay kinh Châu Báu chẳng hạn được trích từ tác phẩm này và bên cạnh đó thì nhiều bài kinh khác được xem rất nổi tiếng thí dụ như kinh Tê Ngưu hay là kinh Rắn, kinh Lửa chẳng hạn những bài kinh hết sức quen thuộc và trở nên một nguồn thi hứng cho nhiều thế hệ thì được tìm thấy trong tác phẩm  Sutta Nipata. Về lượng thì tác phẩm này lớn hơn tác phẩm mà chúng ta đang học Itivuttaka và những bài kinh này thì đôi lúc mất nhiều ngày để chúng ta trình bày. 

Chúng tôi tin rằng đây là một giáo trình rất lợi lạc và chúng ta sẽ được dịp để trở lại nội dung của một số các bản kinh mà trước đây chúng ta đã từng giảng ở trong rơom.

 Do vậy chúng tôi xin thông báo rằng sau một tuần lễ nữa khi giáo trình  Itivuttaka - Như Thị Thuyết hết thì tất cả chúng ta sẽ bước qua giáo trình tác phẩm Kinh Tập - Sutta Nipata. Dĩ nhiên là sự lựa chọn này cũng nhằm vào một mục đích là tạo điều kiện cho tất cả chúng ta có  thì giờ để trải tâm của mình trên những trang kinh cổ và đôi lúc những tác phẩm này chúng ta đọc rất là hời hợt, đọc thoáng qua nhưng nếu được ngồi đọc, bàn, thảo luận thì chúng ta tìm thấy được một lợi ích rất lớn ở trong cuộc sống hàng ngày và qua đó chúng ta thấy được giá trị to tác mà Đức Phật đã để lại cho chúng ta đó là kho tàng kinh điển quan trọng Thánh Điển Pali./.

No comments:

Post a Comment