Tuesday, August 4, 2015

Phật Giáo tại Cộng Hòa Kazakhstan

Những di tích còn lại cho biết khi xưa xứ Kazakhstan là quốc gia Phật Giáo 

By Michelle Witte, Astana Times, 9 February, 2015

Nguyễn Văn Hoà Việt dịch

Astana, Kazakhstan - Cộng Hòa Kazakhstan là một quốc gia phía bắc giáp nước Nga , phía đông nam giáp với Trung Quốc, nằm tại trung tâm của lục địa Á-Âu. Ngày nay người Hồi giáo chiếm đa số , nhưng Con Đường Tơ Lụa xuyên qua đất nước này là một tuyến dẫn quan trọng đối với các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, và một số chạm khắc lịch sử trên đá cùng với các di tích của Kazakhstan thì không liên quan đến Hồi giáo cũng không phải là thuyết duy linh, mà là biểu tượng của chư Phật, chư Bồ tát, và các tăng sĩ đã truyền giáo lý đạo Phật từ Ấn Độ và Trung Quốc trên các vùng đất Á-Âu. 

Phật giáo đã có một số lớn Phật tử ở Trung Á giữa thế kỷ thứ hai trước Công nguyên cho đến khi đạo Hồi tràn vào khu vực khoảng thế kỷ thứ tám, và nhiều người Turkic sống ở Kazakhstan đã  chuyển sang đạo Hồi . Mặc dù bây giờ dân số Phật giáo của Kazakhstan rất ít - chỉ khoảng 0,5 phần trăm dân số vào năm 2007 - lại là đất nước có số lượng theo Phật giáo lớn nhất ở Trung Á. Tại đất nước này rải rác đây đó những di tích của Phật giáo còn lại từ quá khứ, đặc biệt là vùng Zhetysu (còn gọi là bảy con sông) nằm tại phía đông nam Kazakhstan, trong đó bao gồm tỉnh Almaty oblast. 

Nằm trong khu vực Tamgaly-Tas , một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Kazakhstan và được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Các vách đá, khoảng 120 km từ Almaty, có hàng ngàn bức tranh đá được chạm khắc có niên đại từ thời kỳ đồ đồng trở đi. Trong một số những cảnh săn bắn và những hình ảnh của các thú vật có những tôn tượng Đức Phật , kinh Phật bằng Phạn ngữ và hình ảnh của những danh tăng . 

Theo truyền thuyết địa phương, một phái đoàn hoằng pháp Đạo Phật đã dừng chân bên bờ sông Ili, tạm nghỉ dưới những ghềnh núi đá, bất thần một trận động đất xảy ra làm cho một mảng đá rơi xuống từ ghềnh đá gần bên. Để bày tỏ ơn cứu độ mà Đức Phật đã cứu họ thoát nạn, trước khi tiếp tục lên đường họ đã khắc một tôn tượng Đức Phật lớn nhất ở nơi đó; tôn tượng hướng mặt lên trời được khắc trên một tảng đá thật lớn màu da trời.

Ở những nơi khác trong vùng Almaty , giòng sông Kora chảy xuyên qua rặng núi gần thị trấn Tekeli. Trong thung lũng gần giòng sông có một tảng đá lớn hình tháp với tôn tượng Đức Phật được khắc trên đó. Được bao quanh bởi một con đường đất nện, hình ảnh trên đá trông rất huyền bí và phản ảnh nhiều đặc tính của Phật giáo Tây Tạng. Có một bảo tháp, một con sư tử tuyết cầm một bảo tháp (sư tử tuyết thường đại diện cho sự mừng rở, sự trong sáng, và sự can đảm trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng), và các biểu tượng đại diện cho quan niệm của Phật giáo về luân hồi.

Con đường chung quanh tảng đá có thể cho thấy những người Phật tử đã đi kinh hành xung quanh tảng đá hình tháp, biểu thị lòng tôn kính. Sự đi kinh hành cũng có thể là một ví dụ về văn hóa vay mượn giữa Phật giáo và Hồi giáo tại Kazakhstan: Những tín đồ của đạo Hồi - Kazakhstan Sufi cũng đi bộ xung quanh đền thờ và những ngôi mộ. Họ có thể ngồi thiền xử dụng thần chú và trú tâm vào hơi thở, thường xuyên thực hành trong các cộng đồng nhỏ xoay quanh một bậc thầy và tin vào sự tái sinh và một số khái niệm khác liên quan đến Phật giáo. 

Một du khách, người leo núi và là người hướng dẫn du lịch Andrey Gundarev, giải thích từ "kora" - cũng là tên của dòng sông - có nghĩa là "tỏ lòng tôn kính " hay "đi vòng tròn " trong tiếng Tây Tạng là đề cập đến việc đi kinh hành.. 

Không xa di tích là khu di tích Kayalyk, những gì còn lại của thành phố Con Đường Tơ Lụa vào thế kỷ thứ 8 cho đến thế kỷ 13, và là di sản thế giới kể từ năm 2014. Bây giờ hầu hết là đất và đá móng, có những tàn tích của một số tòa nhà tôn giáo, trong đó có một ngôi đền Phật giáo khoảng 200 km từ trung tâm Taldykorgan. 

Có thể là còn nhiều cổ vật Phật giáo và các đồ tạo tác khác tìm thấy trên lãnh thổ rộng lớn của Kazakhstan. Gần Sairam, phía nam khu vực Kazakhstan, một cấu trúc dưới lòng đất đã được phát hiện các nhà khoa học tin rằng có thể là một ngôi chùa Phật giáo của thế kỷ thứ sáu.

Hai bộ di tích thời cận đại, có niên đại từ thế kỷ thứ 17, có thể đã được xây dựng theo lệnh của hai anh em: Nhà lãnh đạo Kalmyk Ablai-Taisha và Ochirtu-Taisha. (The Kalmyks, cũng gọi là Dzungars, là một bộ lạc còn lại của người Dzungaria ở tây bắc Trung Quốc năm 1607 và nắm quyền kiểm soát bây giờ là Cộng Hòa Kazakhstan.) 

Trong công viên quốc gia Karakuly ở tỉnh Karaganda là những tàn tích của một tu viện Phật giáo bây giờ gọi là Kyzyl Kensh Palace - "Red City" hay "Red Ore" ở Kazakh, tên được đặt do bức tường sơn đỏ. Nguồn gốc của tàn tích chưa rõ ràng: một giả thuyết cho rằng đó là những gì còn lại của một ngôi đền Phật giáo cổ xưa; giả thuyết khác cho rằng những gì còn lại của một tu viện được thành lập bởi Ochirtu-Taisha một người sống ở đó vào thế kỷ thứ 17. Một giả thuyết khác cho rằng là một pháo đài được xây dựng vào thế kỷ thứ 18 bởi Phật giáo Kalmyks với ý cố giữ lãnh thổ của họ. 

Theo tin tức trên mạng Culturemap.kz, các tàn tích đổ nát này vẫn còn là một nơi tối tăm đối với cư dân địa phương - chạm vào những tàn tích này đã được cho là sẽ bị chết hoặc gặp vận xui,. Vào đầu thế kỷ 20, một số tường vẫn còn dựng đứng, nhưng ngày nay chỉ còn trơ lại nền móng, mặc dù một số công việc phục hồi di tích lịch sử đã được thực hiện. 

Không xa thành phố Ust-Kamenogorsk là một tập hợp các di tích của thế kỷ 17: Tu viện Ablaykyt, được xây vào giữa năm 1654 và 1656 bởi Ablai-Taisha nhưng bị phá hủy vào 1670. Chỉ còn lại bức tường đá bao quanh pháo đài cũ và những đền đài đổ nát theo thời gian. 

Trước đây có một ngôi đền nay không còn nữa , nhưng vẫn còn có tên Semey, thuở xưa là Semipalatinsk ("bảy cung điện") - được đặt tên cho ngôi chùa Phật giáo có bảy đại sảnh ở khu đất mới của Dorzhinkit, nơi ngày nay là Semey . Các ngôi đền đã bị phá hủy vào cuối thế kỷ 17.

Những tu viện Kalmyk một thời đã từng hoạt động khắp nơi trong vùng đông Kazakhstan và vùng Zhetysu, nhưng vì những kiến trúc của các đền chùa phần lớn đều là những lều bằng da, nên rất ít các kiến trúc này còn được lưu lại. Tuy nhiên người Kalmyks đã mang theo tôn giáo của họ khi họ rời Kazakhstan. Ngày nay, Cộng Hòa Kalmykia, một vùng bán tự trị của Nga, là quốc gia châu Âu duy nhất mà đa số dân theo Phật giáo. 

No comments:

Post a Comment