THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ 11
Ngày 5 tháng 10 năm 2015
THƯỢNG TỌA THÍCH GIÁC ĐẲNG, NGUYÊN QUYỀN CHỦ TỊCH VĂN PHÒNG II
VIỆN HÓA ĐẠO, CHÍNH THỨC LÊN TIẾNG SAU KHI TỪ CHỨC QUA LỜI TÂM
TÌNH “VIẾT CHO NGƯỜI Ở LẠI”
HOUSTON – Ngày 05.10.2015 – (PBC, HĐĐH) Phòng Báo Chí vừa nhận được bài “Viết Cho Người Ở Lại” của Thượng tọa Thích Giác Đẳng, Nguyên Quyền Chủ tịch Văn Phòng II Viện Hóa Đạo. Đây là lời tâm tình chuyên chở những kham nhẫn, chịu đựng, chấp nhận và hy sinh của Thầy trước mọi nghịch cảnh, thị phi, bôi xấu, vu oan, giá họa. Với văn phong nhẹ nhàng, hòa ái, đầy nghĩa đạo tình đời, làm gương sáng cho vai trò lãnh đạo cần phải vượt qua mọi thị phi tranh chấp đời thường. Điều có thể thấy ở Thầy là trước sau như một, vẫn an nhiên tự tại, luôn nghĩ tới sự sinh tồn của Giáo hội để nghiên cứu, tìm tòi những giải pháp thích nghi nhằm đưa con thuyền Giáo hội sớm thoát khỏi phong ba bão táp, đạt tới bến bình an sau cùng. Xin giới thiệu đến quý độc giả, Phật tử bằng những lời trang trọng nhất:
Viết Cho Người Ở Lại
Tỳ kheo Giác Đẳng
Những xáo trộn nội tình Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) gần đây không phải mới xẩy ra lần đầu. Trong quá khứ, khi có biến cố thay đổi nhân sự thì một số lớn đã lựa chọn: “Con đường ra đi” vì lòng tự trọng và kham nhẫn cho sự sinh tồn của Giáo hội. Lần nầy thì trái lại -- hầu hết các thành viên Văn Phòng II Viện Hoá Đạo và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ --, đều chọn quyết định giữ nguyên vị và làm tất cả những gì có thể làm được với tinh thần trách nhiệm. Những nghĩ rằng nên giữ im lặng để không tạo thêm phiền luỵ cho những người đang trực tiếp gánh vác trách nhiệm cực kỳ khó khăn này, nhưng có rất nhiều Phật tử email, điện thoại yêu cầu chia sẻ suy tư về hiện trạng Giáo hội, nên chẳng đặng đừng tự thấy mình muốn nói lên vài điểm theo thiển ý riêng.
Sự khủng hoảng cho thấy cơ cấu tổ chức Giáo hội có vấn đề
Từ trước tới nay, đã có nhiều ý kiến về nguyên nhân của sự xáo trộn nội tại, hầu hết đều quy trách cho cá nhân nầy hay cá nhân kia. Kỳ thật, nếu chúng ta nhìn kỹ lại thì vấn đề nằm ở guồng máy hành chánh. Tất cả những bế tắc đều có thể giải quyết tốt đẹp nếu Hội Đồng Lưỡng Viện và Văn Phòng II Viện Hoá Đạo có những trao đổi, thảo luận về phương cách làm việc. Thái độ đoạn giao khi hữu sự không thể là cách hành xử trong một tổ chức, nhất là tổ chức mang tính tôn giáo. Một khi không thể nói chuyện với nhau thì có nghĩa là không tìm ra được một giải pháp ổn thoả nào trong sự hiểu biết và cảm thông. Điều đáng sợ nhất cho những thành viên trong Giáo hội là dấn thân làm việc mà không rõ số phận mình sẽ đi về đâu. Vì thế, mỗi lần xáo trộn xảy ra là bao nhiêu mất mát, phiền luỵ. Thiển nghĩ, trong một tổ chức tôn giáo, những người tham gia cần biết rõ về hoạt động cũng như tương lai của tổ chức qua sự thảo luận cởi mở và tôn trọng. Giáo hội cần một định chế hay một bậc lãnh đạo khả dĩ đứng ngoài các cơ cấu điều hành để vượt trên những tạp niệm thế tục hầu có thể lắng nghe tất cả và làm nhịp cầu cho mọi dị biệt.
Không thể bỏ mặc quần chúng trong những quyết định hệ trọng
Có thể nói rằng nhiều bài học đau thương được rút tỉa nếu chịu nhìn lại những biến cố của Giáo hội trong suốt nhiều thập niên qua. Mỗi khi có thay đổi thì những quyết định quan trọng thường dựa trên quan niệm nặng tính cá nhân của thành phần nắm quyền, hơn là cố gắng tìm hiểu đa số quần chúng Phật tử thật sự nghĩ gì, cần gì, muốn gì…!
Ngôi chùa chung, chùa Phật Quang, là một thí dụ để suy ngẫm. Thực tế thì đây là một ngôi chùa không lớn về cơ ngơi vì còn trong giai đoạn phôi thai xây dựng. Thế nhưng có một điều mà ngôi chùa nầy đặc biệt hơn bất cứ ngôi chùa nào khác ở hải ngoại, đó là sự tạo mãi vốn kết tinh từ bao nhiêu tâm huyết của Phật tử bốn phương đóng góp. Họ là những cụ già đi bán từng tấm vé số gây quỹ; là những người đêm ngày trăn trở để làm thế nào trong bốn tháng ngắn ngủi có đủ tiền để mua được cơ sở; họ là những người chỉ biết “cho đi mà không đòi lại bao giờ”. Nhưng vì một hành động thiếu cân nhắc đã tạo ra hoàn cảnh hổn loạn như hiện tại, không cho phép bất cứ một vận động gây quỹ nào, dẫn đến việc bán chùa trả nợ là lựa chọn không tránh khỏi. Những tấm lòng đó thật sự rất đau khi đối diện với thực trạng bi đát hôm nay. Sự phân tán nhân tâm trong quần chúng Phật tử chỉ làm cho tình trạng Giáo hội tệ hơn.
Quyết định số 20 của Viện Tăng Thống đã không giúp gì cho sự ổn cố nội tình, mà chỉ làm cho vấn đề trở nên mờ mịt, không lối thoát. Đây là một thí dụ về cách làm việc thiếu cân nhắc. Nếu trong lòng chúng ta có quần chúng Phật tử thì mỗi khi quyết định làm gì, câu hỏi đầu tiên là điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào tới những người Phật tử, tuy không có địa vị chức quyền, nhưng họ chính là đối tượng phụng sự của Giáo hội.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần hành xử với tánh cách thiêng liêng của tôn giáo
Mặc dù GHPGVNTN có thái độ chính trị trong tinh thần đồng hành cùng dân tộc, nhưng Giáo hội không phải là một đảng phái chính trị. Những thành viên Giáo hội cần thể hiện tinh thần từ, bi, hỷ, xả trong mọi hành xử. Một khi có những biến động mà tất cả các bên chỉ dùng lời lẽ cáo buộc nặng nề với nhau thì thật sự có vấn đề. Phải chăng vì Phật pháp không đủ hiệu năng để chuyển hoá hay vì chưa thấm nhuần lời Phật dạy? Một Phật tử quá buồn vì những chuyện xẩy ra đã đặt câu hỏi là phải chăng Giáo hội đi quá sâu vào chính trị nên bị chính trị hoá? Những thủ đoạn vu vạ, mạ lị thật ra không có gì để hãnh diện theo tinh thần của người con Phật. Nếu thật sự có bản lãnh thì phải có đủ hùng tâm ngồi xuống để tịnh tâm và thấy được những người bất đồng với mình thật ra không phải xấu như mình nghĩ.
Nói cho cùng, là phàm nhân, ai cũng có phiền não và không ai hoàn hảo. Một ngày nào đó khi Giáo hội có những thay đổi nhân sự, mà không cần phải có lời qua tiếng lại hay cáo buộc nặng nề, thì mới có thể tin rằng cơ cấu tổ chức thật sự đáng tin tưởng và xứng đáng cho những tấm lòng dấn thân vì đại cuộc.
Rất cần một lời thống hối
Mạng mạch của GHPGVNTN có lúc như “chỉ mành treo chuông” với hai bậc lãnh đạo cao cả bị an trí hai nơi xa cách. Hơn hai mươi năm sau tình trạng Giáo hội cũng bi đát gần như vậy trong sự đơn chiếc của Hội Đồng Lưỡng Viện. Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng đó là hệ quả tất nhiên của cơn Pháp nạn. Kỳ thật, hai sự cô đơn đó rất khác nhau. Hiện tại, ở hải ngoại còn một đại khối lớn Tăng ni, Phật tử không tham gia Giáo hội mặc dù rất thương Giáo hội. Nhiều người đã ngậm ngùi rời con thuyền Giáo hội không phải vì thay đổi lập trường mà vì chẳng đặng đừng. Có thể một lúc nào đó cần cùng nhau nhìn nhận rằng, không ít thì nhiều, Giáo hội có trách nhiệm trong việc xô đẩy những người hữu tâm ra khỏi guồng máy tổ chức. Một lời thống hối là cần thiết để an ủi phần nào những người đã đau xót ra đi. Bản thân người viết bài nầy cũng xin được cúi đầu sám hối vì những nhận thức sai lầm trong qua khứ đối với tất cả chư tôn đức và quý cư sĩ không cùng cách suy nghĩ với mình trong quá trình hành hoạt.
Tinh thần dung hợp là sự đặc thù cố hữu của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Phật Giáo Thống Nhất không phải là một danh xưng đơn thuần mà là một tinh thần dung hợp những khác biệt của tất cả người con Phật trong một đại gia đình, dù đó là Bắc Tông hay Nam Tông, là nam hay nữ, già hay trẻ, hay bất cứ giai tầng nào trong xã hội. Thái độ phân biệt, kỳ thị chỉ bóp chết tôn chỉ dung hợp. Sự phân biệt hẹp hòi khiến Giáo hội khập khễnh, không phát triển được. Phải nhận là cách làm việc nặng tính quan lại và thư lại khiến nhiều Phật tử có khả năng và thiện chí không tham gia được sinh hoạt Giáo hội. Một số các vị trong tầng lớp lãnh đạo lo sợ và mặc cảm với những người mới. Tất cả guồng máy dân chủ lành mạnh trên thế giới đều có một đặc điểm chung là chấp nhận sự nhập cuộc của tất cả người có khả năng. Quá bảo vệ đặc quyền lãnh đạo của một thành phần nào đó không hẳn là bảo vệ Giáo hội. Đất nước Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ trong vòng chỉ hơn hai thế kỷ qua nhờ biết trọng dụng sự đóng góp của làn sóng di dân thế hệ đầu tiên. Chỉ khi nào Giáo hội đón nhận sự đóng góp của tất cả với tinh thần dung hợp, trân trọng và cởi mở thì tinh thần thống nhất mới phát huy được giá trị thực sự.
Nên đặt nặng thực chất hoạt động hơn danh vị
Trong quá khứ, đặc biệt là trước năm 1975, với địa bàn hoạt động rộng lớn và nhân sự đông đảo, Viện Hoá Đạo đã có một cơ cấu với nhiều chức vụ. Thực tế ngày nay thì ngược lại, chức vụ quá nhiều mà nhân sự rất hạn chế. Thêm vào đó là những tiêu cực trong vấn đề chức quyền vốn không giúp nhiều cho hoạt động mà chỉ làm ngăn cách không cần thiết giữa các thành viên.
Gần hai năm qua, có một lý do mà sinh hoạt của Văn Phòng II VHĐ và GHPGVNTNHN-HK tương đối đều đặn và ổn định vì trong những phiên họp mỗi tuần đã có sự bình đẳng trong quyền phát biểu và biểu quyết giữa tất cả thành viên. Những chức vụ to tát dài dòng thường không giúp gì cho Phật sự mà chính sự tương thân, tương kính tạo nên không khí hoà ái và mang lại những đóng góp tích cực trong sinh hoạt. Chúng ta có một cơ chế hành chánh lỏng lẻo nhưng khi có vấn đề thì đem nguyên tắc ra để lý sự. Kết quả là chuyện rắc rối càng thêm rối rắm. Ảo tưởng về quyền lực tuyệt đối của chức vụ khiến chúng ta quên hẳn điều nầy: đa số những vấn đề nội bộ có thể giải quyết bằng tình thương và sự thông cảm hơn là thái độ hống hách cậy thế cậy quyền.
Muốn tồn tại và phát triển phải chấp nhận thay đổi
Có một vị hoà thượng khả kính được một Phật tử cúng dường một máy laptop hiệu Compaq rất tốt. Ngài cất giữ kỹ trong tủ nhiều năm, tới một ngày cần dùng mang ra nhờ chúng tôi chỉ dẫn. Điều đầu tiên nhận ra là máy đã quá cũ, không thể “install” (cài đặt) được “software” (thảo chương) hiện hành. Ngài hoà thượng nghe nói vậy, trả lời là máy còn rất mới, chỉ mới sử dụng một lần. Phải giải thích dài dòng để Ngài thấy là máy tuy còn mới, nhưng đã cũ không thể dùng được nữa. Sau cùng Ngài cho tôi một nụ cười với lời đùa: “Mình tưởng cất kỹ thì không cũ bây giờ hoá ra cũ kỹ”. Phải nhận rằng cách làm việc ngày nay đã khác xưa nhiều. Những nhân tài trẻ tuổi tại Âu Mỹ không thích chức vụ lớn mà “ngồi chơi xơi nước”. Nếu họ không thật sự cống hiến mà chỉ có chức vụ “oai phong” thì họ thấy không oai chút nào. Những người sống trong xã hội hôm nay cũng bớt nặng lý tưởng mơ hồ, mà thay vào đó là hoạt động cụ thể. Nhiều người hôm nay thích hưởng thụ quá trình làm việc hơn là để lưu danh hậu thế. Bảo lưu truyền thống là điều cần, nhất là trong lãnh vực tôn giáo, nhưng để thực sự đi tới và phát triển thì Giáo hội cần thay đổi cách làm việc. Những người đang làm việc trực tiếp trong các đề án thực tế phải được lắng nghe nhiều hơn. Cần tránh trường hợp người quyết định một nơi mà người thực hiện một nẻo. Guồng máy hành chánh cần đáp ứng nhu cầu cụ thể, bớt cồng kềnh. Mối liên hệ giữa các thành viên cần đặt nặng sự trao đổi thảo luận hơn là chỉ ra lệnh. Không thay đổi thì chúng ta chẳng những dậm chân một chỗ mà còn đi lùi. Nhìn lại Giáo hội hơn hai thập niên qua sẽ thấy điều đó.
Những hệ luỵ xẩy ra gần đây trong GHPGVNTN ảnh hưởng toàn bộ Giáo hội chứ không phải cá nhân nào. Không may là suốt thời gian qua không có một cơ hội để thảo luận giữa Hội Đồng Lưỡng Viện và Văn Phòng II Viện Hoá Đạo. Chư vị tăng ni, cư sĩ ở hải ngoại phải chịu đựng nhiều gánh nặng từ tài chánh tới hành chánh, từ nội bộ tới cộng đồng. Rất may mắn là trong bao nghiệt ngã đó, hầu hết đã kham nhẫn giữ vững tay chèo để con thuyền không bị nhận chìm trước phong ba bão táp. Tất cả là những chiến sĩ tiếp tục ở lại trận mạc trong những giờ phút hiểm nghèo nhất. Tự nhiên lòng cảm thấy bùi ngùi khi nghĩ về hình ảnh một Sư Bà ốm yếu đang chống chèo giữa cơn bảo dữ, lại liên tưởng tới “người ở lại Charlie”.
Houston, 10.05.2015
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDeleteThis comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDeleteThis comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDeleteThis comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDeleteThis comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDeleteThis comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDeleteThis comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDelete