ĐÙA VỚI VẬT THỜ PHƯỢNG CHỈ LÀM MẤT ĐI SỰ THIÊNG LIÊNG
Thượng tọa Matthumagala Chandananda Thero / Như Quang chuyển dịch
Theo báo The Island – Ngày 2, tháng 5, năm 2014 – Một số Phật tử bày tỏ sự bất bình về cô Naomi Coleman, một du khách người Anh đã bị trục xuất khỏi Tích lan vì mang hình xâm Đức Phật trên cánh tay của cô. Tuy chúng ta lấy làm tiếc vì những phiền toái cô Naomi phải chịu đựng trong chuyến thăm Tích lan, vấn đề này cũng cần có một sự giải thích về những gì Đấng giác ngộ đã dạy về tôn tượng, hình ảnh, hình xâm của Ngài.
Cô Coleman, người được biết là một Phật tử, đã nói cô có ý nguyện tốt khi chưng bày hình xâm Đức Phật trên cánh tay cô. Cô đã làm như thế với sự tôn kính. Tuy nhiên theo Đức Phật chúng ta sẽ không có được một cuộc hành trình êm ả trong đời cho dù ý hướng của chúng ta tốt. Ngay cả những điều tốt cũng có thể mang một hậu quả đắng cay nếu chúng ta không làm đúng pháp, đúng thời, và đúng nơi.
Dĩ nhiên, tôn trọng những vị lảnh đạo tôn giáo của chúng ta là điều tốt nhưng chúng ta nên cẩn trọng. Bằng không chúng ta sẽ gây hại nhiều hơn lợi cho các vật thờ phượng và những quan điểm về tôn giáo.
Ngay buổi ban đầu Đức Phật đã không khuyến khích các tín đồ tạc tượng của Ngài. Đức Phật là vị hướng dẫn tôn giáo duy nhất tự tuyên bố hình ảnh Ngài không thể gói trọn trong một ảnh tượng. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, Đức Phật còn được lưu truyền theo quan điểm của Ngài: ai thấy Pháp, người ấy thấy Như lai. Để duy trì lời tuyên bố này, và vì do lòng tôn kính, các tôn tượng đã không được tạo cho đến 4 hoặc 5 trăm năm sau khi Đức Phật viên tịch.
Trong thời kỳ đó, thay vì hình ảnh hay tượng Phật, một biểu tượng như một cành sen, một cội Bồ đề, một bánh xe Pháp, một chỗ ngồi trống hay một dấu chân thiêng của Đức Phật được dùng để vẽ lên hình ảnh của Ngài. Trong những ngày ấy, người Phật tử thấy Đức Phật bằng tuệ nhãn.
Theo thời gian, thay vì chuyên chú vào việc hành thiền, một số chư Tăng đã xây dựng những ngôi chùa to lớn, tôn thờ những pho tượng đẹp để vẽ lại hình ảnh của Đức Phật và những sự kiện xảy ra trong đời sống của Ngài hầu gây ấn tượng cho Phật tử. Tông phái Bắc truyền đi đầu trong khuynh hướng này. Ngày nay các tượng Phật được sơn phết và trở thành những vật thông thường có thể bán mua ở chợ.
Văn kinh Đức Phật cho thấy ngay cả chỉ nhìn thấy Đức Phật cũng có khả năng chửa lành, nhưng một số hình tượng Phật được tạo ra bởi những tay thợ vụng về thật quá buồn khi nhìn thấy. Chúng ta nhìn thấy nhiều tượng Phật được tạo ra bất cân xứng, một số có những gương mặt thô xấu, trong các ngôi chùa trên toàn quốc chỉ thêm sự phỉ báng cho một vị lảnh đạo tôn giáo vĩ đại.
Theo Phật giáo, thân này, qua hình dáng vật chất, không khác hơn gì một nhà vệ sinh di động. Nhiều người trang điểm “nhà vệ sinh” này với hình xâm chim ưng, dã can, rồng, và rắn để phô trương nam tính của mình. Thêm những vị lảnh đạo tôn giáo vào danh sách bản ngã này chỉ soi mòn sự tôn kính đối với những hình tượng thiêng liêng.
Đức Phật dạy có hai lực - lực của thiền và lực của suy quán. Trước khi chúng ta làm một điều gì, chúng ta nên suy quán cẩn thận về hậu quả của chúng. Theo cô Naomi, hình xâm của cô không thể xóa được. Thế thì không bao lâu, thân thể chúng ta sẽ teo dần và làn da sẽ bắt đầu chùng xuống. Hình xâm đó sẽ khôi hài như thế nào khi xuất hiện trên làn da nhăn chùng như thế?
Chúng ta trở thành Phật tử trong phạm vi trí tuệ của chúng ta. Đó là phương pháp và thước đo.
Vào một buổi sáng năm 2007, một người đàn ông đứng chơi đàn vĩ cầm tại một nhà ga ở Washington, D.C. Dù có khoảng 2,000 người đi qua, không một ai để ý đến người này. Một vài người ném vào chiếc nón của ông vài đồng xu, có lẻ cho rằng ông là một kẻ ăn xin. Ông ngừng chơi sau 45 phút, không một ai tán thưởng ông.
Thật lạ lùng, không một ai có thể nhận ra đấy là nhà vĩ cầm Joshua Bell, một trong những nhạc sĩ lớn của thế giới. Ông đã chơi những bản nhạc danh tiếng với cây vĩ cầm trị giá 3.5 triệu đô la. Hai ngày trước sự kiện này, vé xem hòa nhạc của ông tại một nhà hát ở một thành phố khác đã bán hết, giá cho mỗi chỗ ngồi để nghe ông đàn những bài nhạc này là 100 đô la. Tuy nhiên, ở tại nhà ga ông chỉ thu được 32 đô la. Đây là một phần của sự thí nghiệm xã hội về sự nhận thức, hương vị, và ưu tiên của con người.
Tại sao không ai có thể nhận ra một nhà giáo đại tài và thưởng thức âm nhạc lẻ ra họ nên hưởng? Bởi vì ông ở không đúng chỗ. Nhiều bình luận gia cho rằng Naomi thật sự đề cao Phật giáo qua việc trưng bày hình xâm Đức Phật trên cánh tay cô. Nay, những nhà nghiên cứu có thể nào đề cao Joshua Bell bằng cách chưng bày ông ở một nhà ga xe lửa? Nếu ông cứ tiếp tục chơi đàn ở những nơi kỳ quặc như thế, ông sẽ nhanh chóng trở thành một người hành khất dưới con mắt những kẻ bình thường. Sự kính trọng mà ông đã gặt hái được một cánh khó khăn không bao lâu sẽ mất đi. Đó là cách làm việc của tâm chúng ta.
Ngay cả một hình ảnh Đức Phật nếu được tôn tạo đúng đắn có thể bắt đầu chửa lành tim chúng ta chỉ khi nào hình ảnh đó được sử dụng khôn ngoan. Nếu chúng ta chỉ sử dụng do xốc nỗi hoặc ngông cuồng, những gì xảy ra cho Joshua sẽ xảy ra cho hình ảnh vô giá của Đức Phật. Hiển nhiên là sẽ không ai lưu tâm. Theo quan điểm tâm lý, những gì phổ biến và tầm thường sẽ được tiềm thức chúng ta xem là rác rưởi. Trong giai đoạn ngắn, điều này không được nhận thấy nhưng về lâu về dài nó sẽ đem lại những ảnh hưởng tiêu cực. Nếu chúng ta đùa giỡn với các vật thờ phượng, chúng ta đánh mất sự tôn kính do lạm dụng.
Khi tôi suy quán lại cách Đức Phật ban hành hàng trăm giới luật để duy trì giá trị và nhiều phương diện của đời sống tâm linh, tôi không thể tưởng tượng được Ngài sẽ cảm thông để các đệ tử của Ngài mang hình ảnh Ngài xâm trên thân thể họ.
Tổ tiên chúng ta đã bảo tồn giáo pháp, trải qua những nỗi khó khăn, ngay cả hy sinh mạng sống. Bổn phận chúng ta là phải gìn giữ giáo pháp cho hậu thế và giới luật đóng một vai trò quan trọng trong việc làm cao quý này.
Tuy vậy, nếu chính quyền cho phép cô Coleman thăm viếng với hình xâm được che kín, toàn bộ việc rối rắm đã có thể tránh được.
No comments:
Post a Comment