Saturday, July 4, 2015

TT Giác Đẳng - Chuyến đi cứu trợ Népal

Bài nói chuyện của TT Giác Đẳng về chuyến đi cứu trợ Népal

Népal

TT Giác Đẳng tường trình về chuyến đi cứu trợ Népal trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma này 22-6-2015, Minh Hạnh chuyển biên.

TT Giác Đẳng: Như tất cả qúi vị đều biết trong tháng Tư một trận động đất lớn xảy ra tại Népal vào ngày 25-4-2015 với đồng hồ địa chấn Mercalli scale ghi nhận 7.8 được xem như trận động đất lớn nhất tại Népal trong 80 năm qua. Trận động đất này tạo nên một cảnh hỗn loạn nhiều nhà cửa sụp đổ, người ta ước chừng trên 10 ngàn người chết, trên 22 ngàn người bị thương và khoảng 2 triệu người Népal sống trong cảnh không nhà. Tiếp theo đó là những dư chấn có khi 5 đến 6 chấm, và ngày 12-5 một trận địa chấn thứ hai xảy ra tại phía đông bắc của thành phố Kathmandu chừng 60 km, trận địa chấn này được ghi nhận khoảng chừng 7.3, không mạnh bằng địa chấn trước nhưng cũng gây thêm một số các thương vong và hư hại nhà cửa cũng như đường xá tại Népal. 

Vì vậy, sau trận động đất thứ nhất vài hôm chúng tôi có hội ý với tất cả Chư Tăng trong Văn Phòng II Viện Hóa Đạo để kêu gọi cứu trợ, chúng tôi nghĩ Népal là một quốc gia có Thánh Địa Lâm Tỳ Ni, chúng ta người Phật tử cũng nên làm cái gì đó, do vậy chúng tôi quyết định ngoài việc kêu gọi cứu trợ Népal Giáo Hội sẽ tổ chức một chuyến đi sang Népal tổ chức lễ Khánh Đản Phật lịch 2559 tại Thánh Địa Lâm Tỳ Ni và đồng thời cứu trợ. 

Ban đầu, chúng tôi không nghĩ sẽ có được một số tài chánh tương đối khá để đi Népal, bởi vì kêu gọi rất gấp, ngày 25 tháng Tư động đất xảy ra, đầu tháng Năm chúng tôi đã kêu gọi và chỉ một tuần lễ sau qúi Phật tử khắp nơi hưởng ứng. Đặc biệt tại thành phố Houston có buổi gây qũi tiên khởi được khoản 70 ngàn dollars. Cho đến ngày 3 tháng 6 chúng tôi rời Hoa Kỳsố tiền đã lên 203 ngàn dollars khi kết sổ cứu trợ. Đó là một con số vượt ngoài sự mong đợi của chúng tôi.

Phật tử ghi danh trong phái đoàn tương đối rất đông trên 20 người, nhưng sau trận địa trấn lớn thứ hai ở Népal người ta sợ không biết những trận động đất tiếp theo sẽ xảy ra lúc nào nên con số từ từ xuống, hơn 15 người đã xin hủy chuyến đi, mặc dù những vị này là những vị đã rất tích cực lúc ban đầu. Vì thời gian gấp chúng tôi không có nhiều thì giờ để cung thỉnh Chư Tăng trong Giáo Hội đi vì qúi Ngài bận lễ Phật Đản, rất may cho chúng tôi có Sư Nguyên Thông tại chùa Liên Hoa, Dallas có dự định đi hành hương Ấn Độ với chúng tôi. Khi chúng tôi trình bày về vấn đề sẽ đi Népal để cứu trợ và sau đó đi qua Ấn Độ để chiêm bái Thánh Tích nhưng không rõ được chương trình Sư cũng rất hoan hỉ đi. Và cũng phải nói Sư tương đối cao tuổi 77 tuổi mà có thể dám chấp nhận đi một chuyến đi cứu trợ như vậy thì thật ra chúng tôi cũng rất qúi tinh thần dấn thân không ngại của Sư. 

Ngày 3 tháng 6 chúng tôi lên đường đi Népal và thứ Sáu ngày 19 tháng 6 chúng tôi trở về Houston sau chuyến đi cứu trợ. Bây giờ ngồi đây nói về chuyến đi chúng tôi phải nói rằng có nhiều chuyện để nói, sắp tới sẽ có một số các bài tường trình bằng hình ảnh để qúi vị có thể theo dõi chuyến đi nhiều hơn. 

Riêng về đất nước Népal có lẽ hôm nay chúng tôi nói hơi dài giòng một chút bởi vì nếu qúi Phật tử không rõ một số chi tiết của xứ Népal tương đối qúi vị cảm thấy hơi khó hiểu. Đôi khi có Phật tử hỏi không biết xứ này là xứ theo Phật Giáo hay theo Ấn Giáo, hay xứ Népal ngày hôm nay đối với người Phật tử chúng ta có quan hệ như thế nào, và bối cảnh tương đối hết sức là đặc biệt. 

Thời Đức Phật còn tại thế, dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn có 4 tiểu quốc là 4 quốc gia tương đối nhỏ, quốc gia đầu tiên của giòng Thích Ca - Sākya ngày nay một số lớn được biết đến gọi là bộ tộc Theru bộ tộc Sàkya giòng họ Thích Ca, một quốc gia khác là quốc gia Kolya có kinh đô đặt tại Devadaha bên ngoại tông của Đức Phật là quê hương của Hoàng Hậu Maha Maya (Ma Da) và Di Mẫu Maha Pajapati Gotami, hai tiểu quốc khác là tiểu quốc xứ Mallà có kinh đô Kusinàrà (Câu Thi Na) nơi Đức thế Tôn lựa chọn để viên tịch Niết Bàn, một vương quốc khác của người Licchavrì có kinh đô Vesàli nơi Đức Thế Tôn thành lập giáo đoàn Tỳ Kheo Ni. Cả bốn tiểu quốc nằm dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn đều có liên hệ đặc biệt đến cuộc đời Đức Phật như khi nãy chúng tôi có đề cập với qúi vị, vương quốc giòng Sākya là quê nội, vương quốc giòng Kolya là quê ngoại, vương quốc xứ Mallà là nơi Đức Thế Tôn viên tịch, và xứ Licchavrì kinh đô Vesàli là nơi Đức Thế Tôn thành lập giáo đoàn Tỳ Kheo Ni. 

Đó là bối cảnh của vùng đất dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn thời Đức Thế Tôn còn tại thế. Sau khi Đức Thế Tôn viên tịch có một số những biến đổi, Ấn Độ cũng như Trung Hoa là những quốc gia lớn do đó biên giới của các quốc gia từ thời xa xưa cho đến ngày hôm nay thay đổi rất nhiều, ví dụ như qúi Phật tử nào đọc những tác phẩm Xuân Thu Oanh Liệt, Đông Châu Liệt Quốc chẳng hạn vào thời Chiến Quốc Trung Hoa có bản đồ khác hơn ngày nay, sau đó khi họ thống nhất đất nước, từ đời Tần thống nhất đất nước rồi qua những triều đại như đời Tống, đời Nguyên, đời Minh, đời Thanh v.v... biên giới thay đổi, Ấn Độ cũng như vậy. 

Chúng ta được biết sau khi Đức Thế Tôn Ngài viên tịch có 3 cuộc di dân tương đối đáng kể, cuộc di dân của giòng tộc Sākya, cuộc di dân thứ hai là xứ Kosala, và cuộc di dân của dân xứ Mallà. Chúng ta được biết sau khi vua Ba Tư Nặc mất thì thành Xá Vệ xứ Kosala (Kiều Tát La) dần dà rơi vào chỗ suy tàn thì một triều đại là triều đại Maurya tức triều đại Khổng Tước vị vua nổi bậc nhất của triều đại Khổng Tước là vua A Dục vị hoàng đế mà chúng ta tất cả những người Phật tử đều biết thì trên phương diện huyết thống triều đại Maurya là hậu duệ của giòng Sākya. Nói một cách khác vua A Dục trên phương diện huyết thống có liên hệ với Đức Phật và triều đại Maurya là một triều đại rất lớn mạnh, từ một vùng núi hiểm trở và trong vùng núi hiểm trở đó họ có thể gìn giữ được bản sắc của họ cũng như nền văn hóa cũng giống như sự nghiệp của họ. Rồi vì trước sự lớn mạnh của triều đại Maurya cả 3 giòng tộc là Sākya và Licchavrì và Mallà đều di tản về một nơi ngày hôm nay gọi là Kathmandu Valley tức thung lũng Kathmandu. Cả 3 đều để lại những dấu ấn rất quan trọng theo thời gian. 

Trụ đá Vua A Dục

Ngày nay chúng ta về Kathmandu còn thấy 4 trụ đá của vua A Dục và hơn 200 tháp bằng đá có khắc hình tượng Phật do những vị Licchavrì ngày xưa ở tại kinh đô Vesàli khắc. Thì cả 3 gìòng tộc đó đều thiết lập những vương quốc tại thung lũng Kathmandu ngày nay, càng về sau những tiểu quốc nằm trên vùng đất Népal bởi vì họ là những người rất tháo vát và đồng thời quen với cuộc sống miền núi non hiểm trở đã khiến cho họ tương đối độc lập so với vùng đất ở dưới là Ấn Độ, ngay cả người Hồi giáo khi đến xâm lăng Ấn Độ cũng không thôn tính Népal, và Népal vẫn độc lập ở dưới thời đại của các vị vua Hồi giáo Ấn Độ cũng không xâm lăng được Népal, ngay cả thời người Anh chiếm Ấn Độ làm thuộc địa Népal vẫn là một quốc gia độc lập. Có nghĩa Népal đã giữ được sự độc lập của họ xuyên suốt trong một thời gian rất dài từ lúc lập quốc cho đến ngày hôm nay, một chuyện cũng rất hi hữu ở trong lịch sử của Á Châu.

Trên phương diện địa dư Népal một vùng đất nằm giữa hai quốc gia thời cổ là Tây Tạng và Ấn Độ địa thế này trở nên rất quan trọng. Ngày hôm nay Tây Tạng đã bị Trung Quốc xâm chiếm do đó chúng ta tạm gọi Népal nằm giữa hai nước khổng lồ của Á Châu là Trung Hoa và Ấn Độ. Nhưng thời xưa Népal nằm giữa Tây Tạng và Ấn Độ và do nằm giữa như vậy họ có con đường giao thương rất quan trọng trên phương diện văn hóa học thuật và tôn giáo.

Thật sự, Phật giáo được chia làm 3 tông phái chứ không phải 2 tông phái:

1.Tông phái Phật giáo Bắc Truyền bao gồmTrung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam.

2. Phật Giáo Nam Truyền bao gồm Lào, Cambochia, Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện.

3. Một hệ phận Phật Giáo khác gọi là Phật Giáo Hy Mã Lạp Sơn. Phật Giáo Hy Mã Lạp Sơn thường theo Kim Cang thừa, bao gồm Sikkim, Phutan, Népal, Tây Tạng nằm chung trong Hy Mã Lạp Sơn. Phật giáo này thường mang bản sắc của Phật giáo Vajrayāna tức là Phật Giáo Kim Cang Thừa hay Phật Giáo Mật Tông ngày nay là Tantric Buddhism, chữ Tantric cũng chỉ cho Phật Giáo Bắc Tông.

Bởi vì Népal ở trên con đường giao thương giữa Ấn Độ và Tây Tạng do vậy ngày nay chúng ta đến đến Népal thấy người Népal có ảnh hưởng cả hai nền văn hóa, họ mang cả hai văn hóa. Văn hóa Ấn Độ như có những người Népal mặc sari và ăn cà ri, nan và chapati chữ viết của họ giống như mẫu tự Nepali. Nhưng một phần nào đó về kiến trúc về hội họa về văn hóa thì mang rất nhiều bản sắc của Tây Tạng. Có thể nói Népal là một chỗ giao thoa giữa Tây Tạng ( ở trong quá khứ) và Ấn Độ, hiện tại là Trung Hoa và Ấn Độ, nằm ở giữa như vậy và nguyên cả nước Népal ngoại trừ gần 75% đất đai gần Lumbini là bình nguyên còn lại nằm trên rặng Hy Mã Lạp Sơn và do vậy trong 10 đỉnh núi cao nhất của thế giới thì có 8 đỉnh núi cao nằm tại Népal trong đó có đỉnh Everest đỉnh núi cao nhất thế giới.

Nhiều Phật tử đến Népal một câu hỏi đặt ra rằng xứ này có phải là xứ Phật giáo không?

Tượng Phật có khắp nơi trên đất nước Népal và Phật Giáo ở Népal thì không hẳn là Phật Giáo. Thật ra Népal có một hình thức tôn giáo giống như Nhật Bản và VN. Tại VN có sự giao thoa pha lẫn giữa tam giáo là đạo Phật, đạo Khổng, và đạo Lão, chúng ta gọi là tam giáo đồng nguyên. Ngày hôm nay có nhiều người vừa thờ đạo ông bà vừa đi chùa, nếu gọi là Phật tử thì cũng không hẳn là Phật tử thuần thành, nhưng gọi không phải Phật tử thì cũng không phải tại vì mặc dầu bình thường họ không đi chùa nhưng gặp Phật thì cũng biết lạy và khi chết cũng đến chùa nhờ Chư Tăng tụng kinh, thì người Népal cũng vậy. Hay ở Nhật Bản chúng ta thấy người Nhật Bản vừa theo đạo Phật vừa theo đạo Shinto thống kê có 95% dân chúng Nhật Bản theo Phật Giáo, nhưng 90% là theo đạo Shinto là Thần Giáo. Hỏi rằng như vậy tại sao quốc gia 90% theo Thần Giáo mà 95% theo Phật Giáo nhưng kỳ thật có một con số rất lớn của những người Nhật Bản họ theo cả hai tôn giáo trong đời sống của họ, trường hợp này rất đặc biệt của Phương Đông.

Vấn đề như vầy; chúng tôi đọc rất nhiều tài liệu ở trong những tài liệu này cho chúng ta thấy có 3 nguyên nhân tạo nên trường hợp pha lẫn giữa Phật Giáo và Ấn Giáo ở Népal.

1. Nguyên nhân đầu tiên là giai cấp Bàlamôn tức là giai cấp giáo sĩ, giai cấp Sát Đế Lỵ là giai cấp vua chúa, giai cấp của thống trị giai, cấp vệ xá là giai cấp thương gia, và giai cấp thủ đà la là giai cấp nô lệ hay những người cùng đinh.

Giai cấp xã hội đã khiến những người thuộc giòng tộc Sākya, giòng tộc Mallà, những người Licchavrì bắt buột dần dà họ trở về lại với nền văn hóa của Ấn Độ, tại vì sao vậy? Tại vì Phật Giáo không chấp nhận hệ thống giai cấp. Và không chấp nhận hệ thống giai cấp thì họ không bảo vệ được giòng tộc của họ, muốn bảo vệ giòng tộc của họ thì họ phải dựa trên một quan niệm là họ thuộc về giai cấp nào đó. Thí dụ như thuộc vào giai cấp sát đế lỵ tức giai cấp vua chúa, giai cấp chiến sĩ những người nắm vai trò cai trị xã hội và nhờ vào bản sắc đặc thù của họ những người Licchavrì những người theo giòng tộc Sākya và những người Mallà từ những người Phật tử rất thuần thành một hai trăm năm sau khi Đức Phật viên tịch đã trở về văn hóa Ấn Độ mà người ta gọi Ấn giáo là Hindu. Thì những người theo Ấn giáo đặc biệt họ xem trong xã hội do điều kiện tự nhiên tức do Thượng Đế an bày tạo ra 4 giai cấp như vậy. Ngày hôm nay vấn đề giai cấp vẫn còn là chuyện phân biệt rất lớn tại Népal và do họ muốn giữ giai cấp đó nên họ quay trở về gìn giữ văn hoá Hindu hay là văn hóa của Bàlamôn giáo.

2. Nguyên nhân thứ hai Đạo Phật bị pha lẫn tại Népal là một đặc tính của những người miền núi chúng ta gọi là những người Bon. Đất nước Népal có hơn 65 sắc tộc nhưng kỳ thật những sắc tộc này chênh lệch nhau không nhiều. Ở trong hơn 65 sắc tộc đó chỉ có 11 sắc dân đặc biệt đa số theo Phật giáo, thí dụ những người Tamang chẳng hạn có 95% theo Phật Giáo. Ngoài 11 bộ tộc được xem là Phật Giáo thì những bộ tộc khác họ pha lẫn giữa Phật Giáo và Ấn Giáo. Lý do họ pha lẫn vì những người miền núi có một tín ngưỡng nhân gian "bái vật giáo". Bái vật giáo tức là họ sùng bái những ngẫu tượng, họ sùng bái thần núi, thần sấm, thần sét, sùng bái thần mặt trời, những tảng đá, những cây thọ thần, những cây v.v... Tôn giáo nhân gian chúng ta gọi là "bái vật tôn giáo" này rất mạnh, ví dụ như ở VN sau này chúng ta thấy có những người thờ ông Tài, ông Địa, hay thờ bà Chúa xứ, họ thờ những thần linh. Thì người dân miền núi quan niệm bái vật rất lớn và phải nói rằng những người thờ bái vật có nhiều màu sắc, như những người lên đồng bóng, họ có nhiều màu sắc, do vậy đôi khi chúng ta nói người nào đó mặc đồ giống như cải lương hay giống như đồng bóng, giống như đồng bóng là bởi vì người nghiện đồng bóng có nhiều màu sắc và dân miền núi thì lại đặc biệt như vậy.

Chính điểm này đã khiến những người Phật tử không giữ sự thuần thành của họ đối với Phật giáo bởi vì Phật Giáo rất đơn giản, Phật giáo ngay cả chuyện thờ phượng Đức Phật cũng không giống như thờ phượng thần linh và người Phật tử thờ phượng Đức Phật là biết thâm ân của Đức Phật, hành theo lời của Đức Phật dạy nhưng không xem Đức Phật là vị thần linh ban phước tha tội như phong tục của các tôn giáo khác. Do vậy dần dà sự pha lẫn ở bên ngoài chẳng hạn như chuyện cúng sao giải hạn không phải một quan niệm đúng theo Phật Giáo nhưng việc cúng sao giải hạn ngày nay rộng rãi khắp các chùa Phật giáo Đại Thừa và cộng đồng Phật Giáo VN mỗi lần lễ rằm tháng riêng luôn luôn có tục cúng sao giải hạn. Thì chính phong tục bái vật giáo đã khiến cho Phật Giáo ở miền núi thường bị mang bản sắc của thần linh, mang bản sắc của thờ ngẫu tượng, mang bản sắc của tín ngưỡng nhân gian và không giữ được Phật Giáo thuần túy.

The Wheel Of Life

Thật ra, về điểm này chúng ta thấy trong nền văn hóa Phật Giáo Tây Tạng thường hay đề cập đến lục đạo, lục đạo tức là 6 cõi gồm: Chư Thiên, Trời, người, ngã qủi, atula, súc sanh, địa ngục. Sáu cõi này được minh hoạ được nói rất nhiều, ở trong 6 cõi đó đặc biệt cõi atula, ngã qủi, bàng sanh họ đi vào chi tiết hơn những quốc gia Phật giáo khác tại vì thế giới ma qủi, thế giới vô hình là cái gì hấp dẫn đối với những người miền núi. Ví dụ như chúng ta nghe tác phẩm "Tử Thư" (Tibetan Book of the Dead) của Tây Tạng nói nhiều về thân trung ấm về cảnh giới tái sanh. Và người Tây Tạng đặc biệt ưa chuộng giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên trong lúc đó tại Trung Hoa và Nhật Bản đa số nhà Sư theo Đại Thừa xem giáo Lý Thập Nhị Nhân Duyên là giáo lý của Duyên Giác của những vị thấp không hợp với Bồ Tát thừa, và không hợp với Phật thừa, do đó giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên, Tứ Đế thường xem như thứ yếu. Nhưng tại Tây Tạng đặc biệt rất phổ thông với giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên, thậm chí những minh họa The Wheel Of Life một minh họa rất quen thuộc khi chúng ta nghe về Phật Giáo Hy Mã Lạp Sơn.


3. Yếu tố thứ ba khiến cho Phật Giáo dễ dàng pha lẫn với Ấn Giáo ở tại Népal là sự lệ thuộc văn hóa. Népal là một quốc gia nhỏ, Népal so với người Ấn Độ như Việt Nam so với Trung Hoa. Người Népal nói tiếng Népal nhưng chữ viết họ dùng nhiều của Ấn Độ. Chúng tôi đi có nhiều dịp nói chuyện với Ngài Maitri và Sư Assaji thì một người Népal bình thường họ có thể hiểu được 80% tiếng Hindi của Ấn Độ và họ xử dụng rất nhiều ngôn ngữ Ấn Độ cho những danh từ chuyên môn nhất là về khoa học kỹ thuật. Tương tự giống như người VN chúng ta mặc dầu chúng ta chống Trung Quốc, mặc dầu thời gian gần đây Trung Quốc xâm lăng VN, VN có vẻ như muốn có độc lập nhưng phải nói từ trong chùa chiền nhất là chùa chiền của Phật Giáo Bắc Tông cho đến văn học bên ngoài ảnh hưởng Trung Hoa rất nhiều. Chúng ta sài những từ vựng Hán Việt, múa lân, hoặc giả ngày tết như tết Đoan Ngọ, hay về kiến trúc, về văn tự ảnh hưởng từ Trung Hoa rất nhiều. Người Népal tương tự như vậy, họ ảnh hương từ Ấn Độ rất nhiều, bởi vì họ là một nước nhỏ, mặc dầu họ có bản sắc riêng của họ nhưng bởi vì quá gần và sự giao thoa trở nên thường xuyên, và gốc của họ cũng là gốc từ Ấn Độ qua. Do vậy họ mang nhiều sự pha lẫn giữa Ấn Giáo và Phật Giáo.

Chúng tôi kể một câu chuyện rất thú vị, Chư Tăng trong giáo hội Tăng Già Phật Giáo Népal đưa chúng tôi và ĐĐ Nguyên Thông đến một khu đền vua ở thành phố Patan. Trong đền vua có một ngôi đền của Ấn Giáo, Ngài Maitri định đưa phái đoàn vào thì người lính cản lại và chỉ vào tấm bản trước cửa, họ nói "bởi vì qúi vị là những vị Tăng sĩ Phật Giáo không phải là người Ấn Giáo và ngôi đền này chỉ có người Ấn Giáo mới vào được ". Ngài Maitri nói với chúng tôi: " mấy người ở đây lạ lắm lúc nào họ cần thì họ nói Phật Giáo cũng là Ấn Giáo, Đức Phật là hiện thân của thần Vishnu, và người Phật tử cũng là người Hindu,nhưng những lúc họ không ưa họ nói Phật Giáo không phải Ấn Giáo". Tức là chuyện nhìn nhận người Phật tử có phải là người Ấn Giáo hay không là Ấn Giáo tùy theo nhu cầu của họ, lúc họ cần thì họ ghép chung vào, không cần thì họ tách riêng. Họ nói như vầy: 40% người Népal tin Phật nhưng trong số đó có một số lớn vừa tin Phật vừa tin Ấn Giáo. Nhưng theo thống kê của Liên Hiệp Quốc chỉ có 10.2% những người Népal họ nói là Phật tử họ không phải Ấn Giáo, chỉ có 10.2 thôi không có nhiều. 


Chùa Vàng (Golden Temple)

Nhưng văn hóa của Phật Giáo và văn hoá Népal là một văn hóa pha lẫn có bàng bạc ở khắp nơi và điều này tạo thành một chuyện rất trớ trêu là ngay cả một ngôi chùa Phật Giáo của giòng Sākya ở tại thung lũng Kathmandu gọi là ngôi Chùa Vàng (Golden Temple) là một ngôi chùa được mạ vàng rất đẹp, chúng tôi và ĐĐ Nguyên Thông có vào chiêm bái, thì ở trong đó rất nhiều hoa văn họa tiết đặc trưng của nền văn hóa Népal . Chúng ta có thể thấy một ngôi chùa Phật Giáo của giòng họ Thích Ca được duy trì giữa thung lũng Kathmandu một trung tâm văn hóa của Népal, mà ngay cả ngôi chùa này chúng ta thấy có rất nhiều hình tượng của Bàlamôn giáo hay của Hindu Ấn Giáo. Và khi chúng ta đi qua những khu vực hoàng cung của Népal thì có những tháp có những hình tượng Phật trở lên tương đối khó hiểu với người Phật tử trên thế giới về văn hóa của Népal. /. 

3 comments:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
  2. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
  3. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete