Wednesday, December 18, 2013

Ngày 25-2-2013 - TT Giác Đẳng thông báo về xây dựng thiền thất tại chùa Pháp Luân

Bản tin Phật Giáo, ngày 25-2-2013 - TT Giác Đẳng thông báo về xây dựng thiền thất tại chùa Pháp Luân

Minh Hạnh chuyển biên



TT Giác Đẳng:Hôm nay, thứ Hai ngày 25-2-2013, tại chùa Pháp Luân sẽ khởi công cho một công trình, công trình đó tuy không phải là công trình lớn nhưng lại có ý nghĩa rất đặc biệt đối với chùa, và đối với cá nhân chúng tôi đó là xây dựng 9 thiền thất.

Đã từ lâu, trong những lần viếng thăm các quốc gia Phật Giáo, chúng tôi thường cảm nhận một điều, đó là những am thất để tu tập luôn luôn có một lợi thế đặc biệt giúp cho hành giả cảm thấy được ngăn với thế giới ở bên ngoài, nhưng vì hoàn cảnh ở Hoa Kỳ rất là khó khăn để xây cất.

Và hiện nay có nhân duyên rất đặc biệt là, tại chùa chúng tôi có được bác kiến trúc sư Nguyễn Hữu Bằng là người đã vẽ ra chùa Pháp Luân cùng với anh Phúc của Louis Contruction....Chúng tôi, bác Bằng và anh Phúc, ba người đã hợp lực với nhau để đầu tư thì giờ tâm trí cho việc xây cất 9 thiền thất này.

Căn bản thì mỗi thiền thất là một nhà sàn, không quá thấp và không quá cao, làm cho không khí thoáng mát, và ở bên trong thiền thất rộng 100 square foot tức là khoảng chừng non 10 thước vuông, và chung quanh thiền thất có hành lang, mỗi hành lang bề ngang khoảng chừng 3 foot hay là non 1 thước, cũng có một vài trang trí chung quanh, ví dụ như một dàn giây leo, như lối vào có đá có thạch động.

Nhưng điều chính của mỗi thiền thất này là làm thế nào để xây dựng một nơi thích hợp với sự tu tập. Ở trong thiền thất với diện tích khoảng chừng 100 square foot thì chỉ đủ để một cái giường, một bàn viết, và một nhà tắm, nhà vệ sinh và một bồn rửa mặt. Đặc biệt là bác Bằng đã thiết kế nội thất của thiền thất này, trước nhất dựa trên phong cánh giản dị của một hành giả tu tập, tất cả bàn ghế cũng như những thứ khác như bồn rửa tay v.v... đều được đóng tại chùa bằng một loại gỗ bền nhưng mà đơn giản.

Phong cách này nói lên rất nhiều về đời sống căn bản của những vị thiền sinh (của những người hành thiền) vào thời trước, nhưng mà, ở đây chỉ có khác hơn là vì ở tại Hoa Kỳ nên phải có nhà vệ sinh ở bên trong và phải có insulation tức là phải có tường cách nhiệt để có máy điều hoà. Bên cạnh đó thì bác Bằng lại tạo ra một hình thái kiến trúc khác rất đặc biệt là với một không gian tương đối thu gọn nhà tắm và nhà vệ sinh được dùng một phần bằng kiến để không thấy phòng bị trật và do vậy mặt dầu có nhà vệ sinh và phòng tắm nhưng người ở trong thiền thất vẫn cảm thấy có một căn phòng rộng rãi.

Những căn phòng này được chú trọng cho những người đến tu tập hành thiền, do vậy, dọc theo thiền thất sẽ là những lối đi kinh hành, những lối đi kinh hành này được ngăn bởi những hàng rào bằng cây và những cây này đang được trồng, chỉ cần một năm thì sẽ bao phủ con đường kinh hành, như vậy hành giả sẽ có một lối đi biệt lập.

Đây là một thử nghiệm đầu tiên, và thử nghiệm này nhằm mục đích tìm một cơ hội cho những người Phật tử vốn đã quá bận rộn, buồn phiền, với cuộc sống vật vã ở bên ngoài có thể về chùa 5 ngày, 7 ngày để sống tịnh tâm trong những thiền thất đơn giản nhưng mà tương đối có những tiện nghi căn bản như vậy, sẽ giúp cho những người này tìm thấy được rằng; sự an tịnh vốn là một điều rất lợi lạc cho sự tu tập.

Bác Bằng cũng nhắm đến hai điều mà anh Phúc của Louis Contruction là nhà thầu đang tìm cách làm sao cho được, đó là làm thế nào đề những thiền thất này có một kinh phí xây dựng tương đối giới hạn chứ không quá nhiều, hiện nay kinh phí xây dựng cho mỗi thiền thất là 10 ngàn Mỹ kim và 9 thiền thất sẽ là 90 ngàn Mỹ kim, nhưng với 10 ngàn Mỹ kim này để xây dựng một thiền thất sẽ là một điều đặc biệt rất là lợi ích cho sinh hoạt tu học của qúi Phật tử xa gần.

Và bác kiến trúc sư Nguyễn Hữu Bằng cũng tập trú vào một điểm là làm thế nào để có thể tạo nên những cái panel (miếng ván) và ráp lại với nhau tạo nên những thiền thất. Những panel này giúp cho chúng ta vận chuyển đến những nơi xa, lấy ví dụ như, một thiền viện ở Florida cần 10 hay là 20 thiền thất thì tại Houston anh Phúc có thể tạo nên những panel những khuôn mẫu có sẵn và chỉ cần đem đến Florida ráp lại.

Nhu cầu này hiện nay là nhu cầu tương đối lớn, chúng ta có bốn tiêu chuẩn để đặt ra: thứ nhất là làm thế nào mà thiền thất giản dị lại có đủ tiện nghi, ở đây tiện nghi muốn nói đến là nhà tắm, nhà vệ sinh, chỗ rửa mặt và bàn viết, điều thứ hai là làm sao để người vào bên trong thiền thất tuy nhỏ nhưng cảm thấy có một không gian rộng rãi tức là không bị ngăn ngại bởi những thứ như nhà vệ sinh nhà tắm. Đây cũng là một điều rất thú vị, và điều thứ ba là làm thế nào những thiền thất này được thực hiện với một kinh phí tương đối nhẹ, 10 ngàn Mỹ kim để có được một căn nhà nhỏ xinh sắn, đó cũng là một điều mà thật ra chúng ta rất là mong mỏi thực hiện được, và sau cùng là, chúng ta mong rằng những thiền thất này sẽ được sản xuất hàng loạt ở trong tương lai. Và sau thời gian sản xuất như vậy thì các chùa có thể mang về ráp lại ở trong những phần đất trống của chùa, như vậy sẽ lợi lạc rất nhiều.

Ngày hôm nay là ngày khởi công công trình này, tất cả chúng ta hãy cùng nhau ước nguyện rằng công trình này sẽ được viên mãn và tất cả chúng ta sẽ có thể nghĩ đến nhiều về một tương lai của các thiền viện cần những am thất thanh tịnh như vậy/ .

.

No comments:

Post a Comment