Wednesday, December 18, 2013

Ngày 4-7-2013 - Mâu thuẫn về danh nghĩa của Phật Giáo

Mâu thuẫn về danh nghĩa của Phật Giáo

by Nik Martin, Deutsche Well, July 4, 2013
Thiên Ân - Việt dịch



Bangkok, Thái Lan – “Bộ mặt khủng bố Phật Giáo” trên số mới nhất của Tạp Chí Thời Báo đã bị cấm ở Miến Điện và Tích Lan vì lo ngại rằng nó có thể khuấy động thêm hận thù tôn giáo. Bạo lực gây ra bởi những đám đông Phật Tử nổi giận đã khiến dân tộc thiểu số Hồi Giáo ở hai nước đổ máu hơn mười tám tháng qua.

Tại Miến Điện, hai thời kỳ của khủng bố vào năm 2012 trên toàn bang Rakhine đã khiến gần 200 người Hồi Giáo Rohingya thiệt mạng và hàng trăm ngàn người rời bỏ nhà cửa. Các tổ chức Nhân Quyền nói rằng sự thù địch nổi lên đối với người Rohingya bởi những nhà lãnh đạo địa phương và đã có vài nhà sư tham gia vào cơn bạo loạn.

Bạo lực đã lan tới trung tâm thành phố của Meikhtila vào tháng Ba năm nay khiến 42 người thiệt mạng. Những cuộc công kích vào người Hồi Giáo cho đến nay vẫn tiếp tục ở một số khu vực, một phần vì những bài thuyết giảng của nhà lãnh đạo tinh thần Ashin Wirathu – trọng tâm của đề tài đăng trên tạp chí Thời Báo.

Wirathu, mô tả bản thân ông là “Bin Laden của Miến Điện”, đã dùng những bài phát biểu trên truyền thông xã hội để truyền bá thông điệp của phong trào “969” – một nhóm chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà một hãng truyền thông gọi là “Tân Quốc Xã Miến Điện”

Một trong những chiến dịch của họ là yêu cầu Phật Tử địa phương trưng bày những miếng dán và áp phích 969 trên cửa sổ của các cửa hiệu, nhà cửa và trên các phương tiện giao thông công cộng. Ba chữ số này thậm chí còn được phun sơn lên những tàn tích của các cửa hiệu Hồi Giáo sau vụ hỏa hoạn. Wirathu cũng kêu gọi tẩy chay các doanh nghiệp Hồi Giáo còn tồn tại và thu hẹp những cuộc hôn nhân giữa các tôn giáo.

Kế thừa của chính quyền

Nhiều nhà bình luận đặt câu hỏi rằng tại sao một tôn giáo nghiêm cấm bạo lực lại có thể dễ dàng khuấy động hận thù như vậy. Nhiều người nghĩ rằng quá khứ gần đây của Miến Điện trong gần năm thập kỷ dưới chế độ độc tài quân sự đóng một vai trò quan trọng.

“ Người dân không được nhà nước bảo vệ, dưới chính quyền quân sự, thực tế nhà nước là mối đe dọa,” trích lời Debbie Stothard từ tổ chức nhân quyền ALTSEAN. “Bản sắc tôn giáo và dân tộc của bạn trở thành nguồn bảo vệ và bản sắc đó vẫn còn rất quan trọng.”

Stothard nói với DW rằng ý nghĩa của tình đoàn kết giải thích tại sao tôn giáo chiếm ưu thế tại Miến Điện đã trở thành điểm khởi đầu cho việc tạo ra một phong trào dân tộc cực đao chồng lại người Hồi Giáo chiếm bốn phần trăm dân số. Hận thù lan rộng

Tích Lan, một quốc gia Phật Giáo khác, đã nhìn thấy một số tu sĩ Phật Giáo tán thành hận thù tôn giáo. Vào tháng Tư năm ngoái, một số đã tham gia cuộc tấn công nhà thờ Hồi Giáo vì cho rằng nó được xây dựng trên đất Phật linh thiêng. Trước đó, một nhà sư đã lãnh đạo đám đông phá hủy một đền thờ Hồi Giáo gần đó .

“Chúng tôi lo sợ sự giận dữ bùng nổ và thông thường thì do người làm chính trị ở phía sau chỉ đạo,” phát biểu bởi Ajarn Sulak Sivaraksa, một trong những sáng lập viên của Mạng lưới quốc tế Bangkok của Phật Tử (INEB).

Tại Tích Lan, một nhóm Phật Tử cực đoan (Bodu Bala Sena) được sự hỗ trợ của Bộ Trưởng Quốc Phòng Gotabhaya Rajapaksa, em trai của Tổng Thống Mahinda Rajapaksa. Tại Miến Điện, một trong những nhân vật chủ chốt truyền bá thù hận trên phương tiện truyền thông xã hội là một chỉ huy trong văn phòng Tổng Thống, có biệt danh là Hmuu Zaw.

Tại Thái Lan, Phật Giáo cũng được sử dụng để tiến hành bạo lực chống lại Hồi Giáo. Quân đội đã chống lại một cuộc nổi dậy của Hồi Giáo ly khai ở ba tiểu bang phía Nam trong thập kỷ qua, khi có báo cáo rằng họ đã sử dụng đền chùa Phật Giáo để lưu trữ vũ khí và đạn dược. Các ngôi chùa thậm chí còn được sử dụng để chất vấn phiến quân, theo học giả Hoa Kỳ Michael Jerryson.

Mặc dù người Hồi Giáo chiếm đa số tại miền Nam Thái Lan khiến Phật Tử bị thiệt thòi, nhiều học giả cảm thấy khó chịu khi các cơ sở Phật Giáo được sử dụng cho mục đích quân sự. “Tôi không thích ý tưởng này chút nào,” giáo sư Suwanna Satha-Anand ở bộ môn Triết học Phật Giáo của Đại Học Chulalongkorn tại Bangkok phát biểu.

Giáo Sư Satha-Anand nói rằng nhà sư Miến Điện Wirathu không phải là một Phật tử được kính trọng đầu tiên truyền bá bài diễn văn thù hận. Chúng ta có thể tìm thấy một ví dụ khác xảy ra vào những năm 1970 khi nỗi lo sợ về chủ nghĩa Cộng Sản lan rộng ở Đông Nam Á.

“Ở thời điểm đặc biệt, một nhà sư nổi tiếng khi được phỏng vấn đã phát biểu rằng giết người Cộng Sản không phải là một tội lỗi. Dường như khi Thái Lan đối diện với thời điểm khủng hoảng, Phật Giáo được mang ra để biện minh cho một số loại bạo lực,” ông phát biểu.

Chứng hoang tưởng lan rộng

Tại Miến Điện, thù hận khiến những cộng đồng Hồi Giáo bị hoang tưởng, nó cũng khiến cho những Phật Tử ôn hòa cảm thấy lo sợ. “Chúng tôi thấy những người Phật Tử ôn hòa bị người theo chủ nghĩa dân tộc Rakhine giết hại đơn giản chỉ vì những người này bán gạo hoặc cung cấp những dịch vụ nhân đạo cho người Rohingya,” Stothard phát biểu. “Tại một số cộng đồng, những Phật Tử ôn hòa lo sợ phong trào cực đoan 969 hơn cả người Hồi Giáo nói chúng,” bà nói thêm.

Giáo sư Satha-Anand cho rằng Phật Giáo cần giữ “khoảng cách vừa phải” với chính quyền. Bà lo ngại rằng sự can thiệp của tôn giáo hiện nay trong khu vực sẽ làm ảnh hưởng đến quan điểm của thế giới đối với Phật Giáo.

“Tôi muốn biết đa số Phật Tử, những người theo chủ nghĩa hòa bình sẽ đáp lại điều này như thế nào? Họ nên bước ra và nói điều gì đó. Nếu không mọi người sẽ nghĩ cuộc bạo lực này đại diện cho Phật Giáo, mà sự thật thì không phải thế." .

.

No comments:

Post a Comment